Tiệc tiễn năm cũ
Ở Nhật mọi người làm việc đến 30/12. Đến ngày đó, các công sở thường tổ chức ăn uống tiễn năm cũ. Những bữa tiệc như vậy được gọi là Bounenkai diễn ra từ những ngày đầu của tuần cuối cùng năm cũ (tạm dịch là bữa tiệc để quên đi những vất vả và khó khăn của năm cũ). Cũng giống như Việt Nam, cuối năm là dịp các nhân viên được lĩnh tiền thưởng cả năm nên họ có tiền để chi tiêu thoải mái. Sau đó là dịp để mọi người tụ tập đi chơi, chúc tụng nhau chào mừng năm mới. Bạn đã thử đi một tour du lịch Nhật Bản vào đúng dịp năm mới chưa?
Lau rửa nhà cửa, trang trí đón năm mới
Vào năm mới, người Nhật có tục lệ Susuharai - lau rửa nhà cửa cả trong lẫn ngoài sạch sẽ để tẩy sạch các vết nhơ của năm cũ, đón năm mới. Cũng như vậy, vào ngày cuối cùng ở trường học trước khi nghỉ đông, học sinh và công nhân viên chức cũng phải làm tổng vệ sinh để trường sẵn sàng đón năm mới và hầu hết các công ty cũng dành ngày làm việc cuối năm để dọn dẹp.
Sau khi dọn dẹp xong, người Nhật trang trí Kadomatsu ở hai bên cửa nhà để đón may mắn. Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông.
Ngoài ra, lý do dùng cành thông để trang trí là vì trong mùa đông, thông vẫn xanh tươi, tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống. Đồng thời lá thông sắc nhọn có thể diệt trừ ma quỷ, Kadomatsu có hình giống cái thang để vị thần của năm mới (thần Toshigami) xuống hạ giới đem may mắn đến cho nhà nhà, người người.
Dưới vòm cửa hay trên bàn thờ, người ta treo Shimekazari, Shimekazari là một loại trang trí để ngăn không cho quỷ lai vãng vào địa phận nhà, tương tự như tục cắm cây nêu ngày Tết của Việt Nam.
Ngày nay, người ta không chỉ treo Shimekazari trước cửa nhà mà còn treo trước tàu, xe, các phương tiện đi lại với hy vọng nó sẽ giúp tài xế tránh khỏi tai nạn, Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7-1 và sau đó, theo tục lệ, người ta sẽ mang đến chùa để đốt như hình thức hóa vàng của người Việt. Hiện nay, nhiều gia đình thường không mang đến chùa mà tự đốt ngay tại nhà của mình.
Ăn mỳ, đi lễ trong đêm tất niên
Trong đêm tất niên (Oomisoka), là ngày quan trọng trong truyền thống của người Nhật vì đây là ngày cuối cùng của năm cũ. Sau khi hoàn tất công việc dọn dẹp nhà cửa trong ngày, vào đêm giao thừa, người Nhật sẽ ăn một bữa tối hoành tráng nhất trong năm. Bữa tối này thường diễn ra vào khoảng 10h hay 11h đêm tại nhà, mọi người quây quần lần cuối cùng trong năm cũ, cùng nhau ăn Toshikoshi-Soba, sợi mỳ dài của Toshikoshi-Soba tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản.
Gần thời điểm giao thừa, rất nhiều người đổ về các đền điện hay chùa chiền gần nhà để thực hiện nghi lễ Ninenmairi. Ninen có nghĩa là 2 năm, còn Mairi có nghĩa là đi để cầu nguyện, ở khắp Nhật Bản, các đền thờ Shinto chuẩn bị amazake (một loại rượu truyền thống nhẹ, có vị ngọt) để phát cho các đám đông vào lúc nửa đêm. Lúc này, chuông lớn ở các chùa trên toàn nước Nhật thi nhau cất tiếng. Người ta đẩy một cây gỗ lớn treo trước cái chuông húc vào chuông làm vang lên âm thanh như tiếng cồng.
Tiếng chuông vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở, theo như lời răn của đạo Phật. Âm thanh sâu và trầm của tiếng chuông vang đi hàng vạn dặm qua bầu không khí đêm khô và lạnh, thông báo năm cũ đã kết thúc và chào mừng năm mới.
Sau khi lễ chùa, cầu mong thần phù hộ cho năm mới vô sự, an khang, trước khi về, người ta thường rút quẻ (Omikuji). Nội dung của quẻ dù là lành hay hung đều có lời khuyên hay bài học. Người Nhật có tập quán khi rút được quẻ lành thì mang về, nếu rút phải quẻ hung thì buộc lên cành cây như một lời hứa với vị thần rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của thần. Nhiều khách du lịch Nhật Bản rất thích thú rút quẻ đầu năm nên họ thường ở lại vào dịp năm mới của Nhật.
Lễ đón mừng năm mới
Sáng 1/1, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới. Đầu tiên là rượu mừng năm mới trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ, tiếp đến là món canh bánh dày Ozoni và món canh này sử dụng tất cả các nguyên liệu củ cải, khoai và bánh dày… những thứ được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa. Người Nhật quan niệm, ăn những thứ các vị thần hay tổ tiên đã ăn sẽ tăng thêm sức mạnh.
Một đồ ăn nữa không thể không nhắc đến trong ngày Tết đó là Osechi, một phần vì quan niệm xa xưa cho rằng nấu nướng trong ba ngày đầu năm mới không tốt cho vị thần bếp, phần vì để giải phóng cho các bà nội trợ khỏi công việc nấu nướng bận rộn trong mấy ngày năm mới nên người Nhật có tục lệ chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội gọi là osechi trong một cái hộp lớn để cả nhà cùng ăn. Các siêu thị đều có bán các hộp Osechi như vậy. Các đại gia đình tụ tập ăn uống, cùng trò chuyện và cùng đọc các tấm Nengajou - thiếp chúc mừng năm mới.
Nengajou
Gửi thiếp chúc mừng năm mới cho bạn bè, người quen… là phong tục ai cũng làm ở Nhật và Nengajou giống như bưu thiếp và có số ở trên. Đầu năm mới, nhà nước quay xổ số và những ai nhận được nhiều Nengajou thì có cơ may trúng thưởng nhiều hơn. Bưu điện Nhật thường quy định ngày gửi Nengajou, những Nengajou bỏ đúng thời gian quy định sẽ được chuyển đến người nhận đúng ngày 1/1 bất kể người đó ở nơi nào trên nước Nhật. Khách đến chơi nhà chủ dịp năm mới thường mừng tuổi cho trẻ con.
Bán hàng giá rẻ nhân dịp đầu năm
Sau ngày mùng 1 Tết, sang ngày 2/1, rất nhiều các siêu thị và cửa hàng bách hóa trên khắp nước Nhật mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng. Họ cho các mặt hàng kinh doanh của cửa hàng mình vào trong một túi to, bên ngoài in chữ fukubukuro (túi phúc) và bán với giá rẻ bất ngờ nên rất nhiều người Nhật xếp hàng từ sớm để mua cho bằng được. Đó cũng là một tập quán ngày Tết của Nhật.
Tục lệ ăn cháo chay, làm vỡ bánh dày
Ngày 7/1, người Nhật có tục lệ ăn cháo chay Nanakusagayu. Cháo này được nấu từ 7 loại rau quả để cầu chúc sức khỏe.
Làm vỡ bánh dày (Kagamibikari) là tục lệ người Nhật Bản tiến hành vào ngày 11/1. Bánh dày hình gương tượng trưng cho may mắn nên người Nhật không cắt mà làm vỡ bằng búa. Bánh dày vỡ ra được nấu thành chè với đậu đỏ cũng hàm ý mang lại những điều tốt đẹp.
Lễ thành nhân
Ngày Lễ thành nhân (Seijin-no-hi) diễn ra vào ngày thứ hai tuần thứ hai của tháng 1, là ngày làm các nghi lễ trang trọng để công nhận và chúc mừng các nam, nữ thanh niên Nhật tròn 20 tuổi trong năm đó. Ngày này thường được tổ chức tại các ngôi đền nổi tiếng ở từng địa phương, nơi các thanh niên đó cư trú. Sau ngày này, nhiều người Nhật mới thực sự cảm giác là hết Tết và trở lại cuộc sống bận rộn thường ngày.