Cùng Du Lịch Việt Nam khám phá, tìm hiểu lễ hội That Luang, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất và đậm đà bản sắc văn hóa Lào
Đến với Lào, đất nước của Quốc Đạo, đất nước mà theo những người dân nơi đây thì không tháng nào là không có lễ hội diễn ra. Vậy, các du khách muốn sang du lịch Lào, tìm hiểu phong tục, lễ hội đất nước triệu voi thì nên sang vào thời điểm nào là thích hợp nhất. Câu trả lời là vào những ngày trong tháng 12, tháng mà lễ hội That Luang, lễ hội tôn giáo lớn nhất và đậm đà bản sắc văn hóa Lào được diễn ra.
Các hoạt động chính của lễ hội diễn ra trong 3 ngày, du khách có thể thoải mái tự do khám phá, tìm hiểu bắt đầu từ buổi sáng cho tới tận đêm khuya. Các nghi lễ chính bao gồm lễ tắm Phật, lễ dâng cơm cầu phúc, nghe giảng giải kinh Phật, lễ Tắc – Bạt ( dâng lễ vật cho sư bao gồm xôi, bánh trái, hoa quả, tiền bạc và các vật dụng khác mà nhà sư dùng được), lễ rước Phạt - Sạt - Phong (là một kiểu đền thờ được làm bằng vật liệu nhẹ, có gắn nhiều hoa làm bằng sáp ong vàng, đôi khi có gắn thêm tiền giấy) và đêm cuối của hội là lễ rước nến được diễn ra khi hàng nghìn phật tử cầm trên tay ngọn nến đã được thắp sáng, đi vòng quanh thảm cỏ bên trong khuôn viên Thạt Luổng tạo nên một khoảnh khắc đẹp đến huyền ảo tăng thêm không khí linh thiêng cho khu vực vốn đã ẩn chứa nhiều huyền bí của đất nước Triệu Voi.
Ngoài phần lễ theo tín ngưỡng tôn giáo, du khách còn cơ hội tham gia chợ thương mại trưng bày và mua bán hàng hoá như sản phẩm từ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các ngành, địa phương trong cả nước, của các nước láng giềng.
Đặc biệt du khách đến với hội Bun Thạt Luổng còn bị thu hút bởi trò diễn "Tị Khi", một trò chơi dân gian chính thống trong lễ hội trước sự chứng kiến của quan chức nhà nước. Tị Khi được chia ra hai phe. Phe áo đỏ tượng trưng cho quan chức và Phe áo trắng hay cởi trần là nông dân. Mỗi trận đấu được chia làm 3 hiệp, mỗi hiệp 20-30 phút và mang tính ước lệ ...
Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe quan chức thắng thì đất nước sẽ khó được yên, người dân làm ăn thất bát, chính vì thế mà năm nào phe áo trắng hay cởi trần đều thắng. Ngoài ra, “Tị khi” còn mang ý nghĩa cầu an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, trên dưới hòa thuận, đất nước thanh bình, người dân no ấm, xóa bỏ thù hằn, đoàn kết sum họp cùng xây dựng đất nước bản làng phồn vinh hạnh phúc.