Hoạt động văn hóa này nhằm tôn vinh các giá trị nghề truyền thống của khu phố cổ Hà Nội và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng của phố nghề xưa.
(Du Lich Ha Noi)
Qua bàn tay và khối óc của những họa sỹ yêu nghề, các sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như : Nón làng Tri Lễ, quạt Chàng Sơn, đàn Đào Xá, Trống Đọi Tam đã được nâng tầm lên thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại độc đáo.
Tại Đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, người xem được thưởng thức vẻ đẹp của "Nón làng Tri Lễ với nghệ thuật sắp đặt đương đại". Những sản phẩm nón lá đơn thuần đến nón quai thao được trưng bày tại đây tạo nên một vẻ đẹp vừa dung dị, vừa gần gũi lại rất có hồn của một sản phẩm có lịch sử thuộc vào hàng lâu đời nhất ở nước ta. Những chiếc nón lá được sắp đặt cùng với áo tơi, quang gánh, đèn dầu, ghế gỗ nhắc nhớ về hình ảnh của những người mẹ, người chị Việt Nam khắc khổ, tần tảo trong những phiên chợ quê.
Tại Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, là điểm trình diễn nghệ thuật sắp đặt Quạt của các nghệ nhân làng Chàng Sơn. Từ quạt mo cau, quạt giấy thô sơ, đến những chiếc quạt nan..., tất cả đều được trưng bày một cách hết sức ý nhị và sinh động. Những chiếc quạt với rơm, rạ, chõng tre đã mang đến một bức tranh nghệ thuật thật đặc biệt. Với cách sắp đặt tinh tế những chiếc quạt giấy theo hình mái vòm vừa gợi nhớ về những chiếc cổng làng, vừa khéo léo thể hiện công đoạn phơi phóng trong nghề làm quạt xưa kia.
Tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là điểm sắp đặt đàn truyền thống Đào Xá. Vào thời Nguyễn, làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam Thượng. Đây là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Cụ Đào Xuân Lan là người khởi nghề đàn của làng. Cách đây hơn 200 năm, cụ đã hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc, cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những đàn tam, đàn tứ, tỳ bà… rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng ở cửa hàng trên phố. Hiện nay trên cả nước có lẽ chỉ còn duy nhất làng Đào Xá là còn giữ được nghề. Trong Ngôi nhà di sản, là cả bộ sưu tập đàn dân tộc: Đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị... Ở khoảng sân trời của ngôi nhà, là sắp đặt các khung nhôm làm phỏng theo kiểu dáng của chiếc đàn nguyệt gợi cả một đám đông người đang chen vai thích cánh bên nhau. Cuộc sống là sự cạnh tranh gay gắt, nhưng cũng là sự nương tựa vào nhau để sinh tồn.
Tại Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm là nơi để các sản phẩm của làng nghề Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) khoe sắc. Tại đây, các nghệ nhân còn trình diễn những màn trống hội rộn ràng. Nghề làm trống đã xuất hiện từ rất lâu đời trong lịch sử nước ta. Chiếc trống đã gắn liền với dân tộc Việt Nam. Trống có nhiều loại, xét về chức năng sử dụng có: Trống trận dùng cho quân đội thời xưa, trống trong hệ thống bộ gõ của dàn nhạc, trống báo giờ, trống hiệu lệnh, trống dùng trong nghi thức tín ngưỡng và tôn giáo, trống làm đồ chơi cho trẻ em. Về quy cách cũng có nhiều loại trống cái, trống con hoặc trống đại, trống trung, trống tiểu, trống bỏi, trống cơm… Đến nay trải qua hàng ngàn năm, người dân Đọi Tam vẫn lưu giữ và làm giàu thêm vốn nghề truyền thống của tổ tiên bằng nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú. Nghề làm trống Đọi Tam được bảo tồn và gìn giữ bằng những bảo tàng sống đó là những nghệ nhân của làng.
Trống, đàn, quạt, nón là 4 sản phẩm truyền thống của các phố thuộc phường Hàng Gai nằm trong Hà Nội 36 phố phường xưa. Giờ đây các sản phẩm này đã được tái hiện trong một chuỗi triển lãm đặc biệt gợi lại cái hồn của phố phường xưa trong hình thức nghệ thuật đương đại. Theo bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, đây là dịp để du khách hiểu hơn, không chỉ về đời sống vật chất mà còn cả thế giới tinh thần phong phú của người và nghề Hà Nội. Còn ông Phạm Tuấn Long - Phó Trưởng ban Thường trực BQL Phố cổ Hà Nội khẳng định, những dịp như thế này là để vinh danh, tái hiện phần nào hình ảnh phố cổ Hà Nội với những hình ảnh hiện thực của đời sống hiện đại.
Để có được cuộc trưng bày này, các nghệ sỹ đã trải qua một quá trình tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng. Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức - Tổng đạo diễn nghệ thuật của chương trình cho biết, các nghệ sỹ phải đến các làng nghề để tìm hiểu và trò chuyện với các nghệ nhân. Từ đó họ xây dựng ý tưởng và bố cục cho tác phẩm sắp đặt của mình. Không gian trưng bày là ngoài trời, không bị đóng khung trong bốn bức tường. Đó là một không gian dung dị, khơi gợi cảm xúc bằng những đồ vật giản dị. Điều này tạo nên sự gần gũi của nghệ thuật đương đại với công chúng.
Cùng với việc trưng bày 4 sản phẩm truyền thống, tại các điểm triển lãm, du khách còn được giao lưu, chuyện trò với nghệ nhân và thợ của các làng nghề, xem họ trực tiếp thao tác, biểu diễn và nói về cách thức tạo nên một sản phẩm thủ công. Cách làm này không chỉ giúp công chúng hiểu thêm về sản phẩm truyền thống, mà qua đó còn tái hiện một không gian của các làng nghề truyến thống một cách chân thực.
Chuỗi văn hóa hoạt động Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại diễn ra đến hết ngày 31/7/2012./.
----------------------------
Du Lich Ha Noi, Du Lich Sapa, Du Lich Ha Long, Du lich Quang Binh, Du Lich Da Nang, Du Lich Hoi An, Du Lich Da Lat, Du Lich Nha Trang,Tour du thuyen Ha Long, Du Lich Hue, Du Lich Phong Nha, Du Lich Sai Gon, Du Lich Phu Quoc, Du Lich Con Dao, Du Lich Mui Ne - Phan Thiet, Du Lich Vung Tau, Du Lich Cat Ba