Cụ Nguyễn Văn Cải, 96 tuổi, là ngư dân cao tuổi nhất làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long, cho hay trước đây dưới thời Pháp thống trị thì đảo Titôp có tên gọi khá rùng rợn là đảo Nghĩa Địa, hay còn gọi đảo Hồng Thập Tự.
Đảo Titop - Hạ Long
Sở dĩ có tên gọi này là do năm 1905, một tàu chở hàng của Pháp khi vào vịnh Hạ Long do không có hoa tiêu thông thạo luồng lạch đã đâm vào đá ngầm, bị đắm ở vũng Con Cóc, các thủy thủ đoàn thiệt mạng được đưa về chôn ở đảo này. Từ đó, dân chài ít dám đến khu đảo này khai thác hải sản, đảo trở nên hoang sơ. Cụ Cải nói rằng mãi đến năm 1965, dân làng chài trên vịnh Hạ Long mới biết hoang đảo này có tên gọi là đảo Titôp.
Bác Hồ thăm đảo Titop - Hạ Long năm 1962
Tài liệu của Bảo tàng Quảng Ninh còn lưu giữ có ghi rõ sự kiện đảo Titôp được Hồ Chủ tịch đặt tên. Ngày 22-1-1962, Bác Hồ đi thăm vịnh Hạ Long lần thứ năm, cùng đi với Bác có anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô (cũ) Ghecman Titôp. Tại đảo, Hồ Chủ tịch đã cùng Titôp tắm biển và người anh hùng phi công vũ trụ tỏ ra thích thú thấy bãi tắm có doi cát, nước biển sạch không kém các bãi tắm phương Tây. Tại bãi tắm, Bác Hồ nói với Titôp rằng để ghi nhớ sự kiện một phi công vũ trụ Liên Xô đến thăm Hạ Long và biểu thị tình hữu nghị hai nước Việt – Xô, Bác đề nghị lấy tên Titôp đặt cho đảo. Và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong kỳ họp tháng 5-1962 đã ra nghị quyết đổi tên đảo thành Titôp.
Đảo Titop - Hạ Long
Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Văn Tuấn, nguyên trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, nhớ lại một buổi sáng mùa hè năm 1999 ông nhận được điện thoại từ Hà Nội báo rằng chuẩn bị đón Ghecman Titôp đi thăm vịnh Hạ Long, sắp xếp tàu xuồng đón Titôp sẽ đến chỉ sau vài tiếng.
Ông Tuấn kể: “Trái ngược với suy nghĩ của tôi là anh hùng phi công vũ trụ phải to lớn và đường bệ, Ghecman Titôp xuất hiện trước mặt tôi là một ông già tầm thước, cao chừng 1,67m, chỉ nhỉnh hơn tôi một tí”. Lần này sang thăm VN, Ghecman Titôp đi cùng các nhà khoa học nước ngoài do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN mời, đó là một chuyến đi không ồn ào.
Tàu rẽ sóng đưa đoàn du khách ra vịnh Hạ Long, đứng bên cạnh lan can tàu, Titôp nheo mắt trước nắng và gió biển, kể lại cho khách trong đoàn nghe về kỷ niệm được cùng lãnh tụ VN Hồ Chí Minh du ngoạn trên vịnh Hạ Long cách đây 37 năm. “Tôi còn được tắm biển với Hồ Chủ tịch và Người bơi rất giỏi!”, Titôp khoa hai tay làm động tác bơi lội làm mọi người cười vui vẻ.
Ông Tuấn nhớ rằng khi tàu thả neo cập bến đảo Titôp, người anh hùng phi công vũ trụ đã gần 70 tuổi nhanh nhẹn nhảy xuống bãi cát khiến ai cũng lo lắng. Titôp chỉ tay về phía bãi tắm và thốt lên với vẻ vui mừng bằng tiếng Nga: “Đông quá, đông quá, sao lại đông thế nhỉ?”. Ông Tuấn đưa Titôp đến bên tấm bia ghi sự kiện đảo được đặt tên người anh hùng. Titôp đưa hai tay ôm ghì lấy tấm bia, rưng rưng nước mắt. Và tại đảo Titôp, người anh hùng phi công vũ trụ đã run run ghi nắn nót từng nét chữ vào sổ lưu niệm: “Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này! Ghecman Titôp”.
Trước khi rời hòn đảo mang tên mình, Titôp nói với ông Tuấn: “Sau gần 40 năm trở lại, tôi rất xúc động với tình cảm trước sau như một của người dân VN, các bạn vẫn còn nhớ đến tôi”. Titôp hứa với ông Tuấn sẽ cố gắng thu xếp thời gian để đưa gia đình sang thăm đảo một dịp gần nhất. Ông Tuấn bỗng trầm giọng xúc động cho hay vào năm 2001, qua phương tiện truyền thông nghe tin Titôp mất sau một cơn bạo bệnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức một lễ truy điệu long trọng người phi công vũ trụ Liên Xô trên đảo Titôp và cho một chiếc tàu chạy vòng quanh đảo thả những vòng hoa viếng xuống mặt vịnh.
Một ngày hè năm 2006, phu nhân của Ghecman Titôp đã thực hiện lời hứa của chồng. Từ Nga sang thăm VN, bà đã đến vịnh Hạ Long, một mình đi tha thẩn trên bãi cát vàng mà ngày trước chồng bà đã cùng được tắm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng lặng trước tấm bia ghi sự kiện đảo mang tên Titôp và khóc.
Hướng dẫn viên trên đảo Titôp Nguyễn Mạnh Hiền cho hay khi bà Titôp được nghe kể lại sự kiện Titôp được đặt tên và sự kiện tổ chức lễ truy điệu Titôp trên đảo, bà đã cảm động nói rằng: “Các bạn là những người thân của gia đình Titôp, Hạ Long thật tuyệt vời và chứa chan tình người!”.