Nước Nga vĩ đại nổi tiếng với các lâu đài, cung điện nguy nga, tráng lệ. Một trong số đó là Cung điện Mùa đông – điểm đến lý tưởng dành cho người yêu nghệ thuât.
Nội dung bài viết:
Giới thiệu tổng quan về Cung điện Mùa đông
Cung điện Mùa đông là một công trình kiến trúc bề thế, nằm bên bờ sông Neva ở cố đô Saint Petersburg, Nga.
Hiện nay, Cung điện Mùa đông là một phần của Bảo tàng Hermitage, một trong ba bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, nơi trưng bày 3 triệu tác phẩm giá trị.
Cung điện mang phong cách nghệ thuật Baroque, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý Francesco Bartolomeo Rastrelli. Cung điện nằm trên một khuôn viên rộng 90.000m2 với hơn 700 phòng được trang hoàng vô cùng xa hoa, lộng lẫy.
Lịch sử hình thành Cung điện Mùa đông
Trước kia, tại khu vực Cung điện Mùa đông hiện nay là một tòa nhà bằng gỗ theo phong cách Hà Lan được xây vào năm 1708, là nơi ở của Peter Đại đế và gia đình. Năm 1720, tại đây, hai cung điện đã được xây xong theo yêu cầu của Peter Đại đế.
Sau này, nữ hoàng Anna Ioannovna - hậu duệ của Peter Đại đế, tái thiết lại công trình này, cung điện thứ ba được xây nên, bởi kiến trúc sư Francesco Bartolomeo Rastrelli.
Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg, Nga
Đến thời nữ hoàng Elizabeth, bà xây tiếp cung điện thứ tư, vẫn bởi kiến trúc sư Rastrelli.
Dự định ban đầu là xây thêm, mở rộng, kết hợp với cung điện thứ ba đã được xây trước kia. Nhưng rồi sau đó Rastrelli kết luận cung điện mới không chỉ là sự mở rộng mà còn xây dựng trên nền móng của cung điện cũ nên cần phải san bằng cấu trúc trước. Đây là một dự án rất phức tạp, có quy mô lớn chưa từng có ở Saint Petersburg. Tổng chi phí khoảng 2.500.000 rúp.
Tuy nhiên, xã hội Nga dưới thời Elizabeth rất khó khăn, nghèo đói tràn lan khắp nơi, lại thêm việc đất nước đang tham gia cuộc chiến Bảy Năm nên việc thi công cung điện đã bị đình trệ nhiều lần. Triều đình Nga hoàng đã đánh mạnh các loại thuế rượu, thuế muối chất chồng bao khoản thuế trước đó lên dân chúng để đáp ứng chi phí xây dựng cung điện. Đối với triều đình lúc đó, việc xây dựng lâu đài là vì danh dự quốc gia nên không thể bỏ dở dự án này.
Nhưng Elizabeth không sống để chứng kiến nhiệm vụ trọng đại nhất của bà hoàn thành, nữ hoàng mất ngày 25/12/1761.
Năm sau đó, 1762, nữ hoàng Catherine Đại đế lên ngôi, cũng là năm cung điện nguy nga này hoàn thiện. Từ đó, Cung điện Mùa đông là nơi ở của các Nga hoàng.
Chế độ Nga hoàng sụp đổ, Chính phủ lâm thời tư sản lấy Cung điện Mùa đông là nơi hoạt động. Đến tháng 11/1917, cộng sản Liên Xô tấn công Cung điện Mùa đông, bắt toàn bộ Chính phủ lâm thời tư sản.
Đến nay, Cung điện Mùa đông là tòa nhà chính của Bảo tàng Hermitage, một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Cung điện Mùa đông tráng lệ bên dòng sông Neva
Phong cách độc đáo của Cung điện Mùa đông
Cung điện Mùa đông nằm bên bờ sông có 3 mặt tiền bên ngoài hướng ra các khoảng không gian chung rộng lớn. Một mặt cung điện trải dọc bờ sông với chiều dài hơn 200m. Mặt tiền quảng trường cung điện thiết kế 3 vòm lối vào sân chính rất nổi bật. Mặt tiền còn lại nhìn xuống Bộ hải quân - nơi còn bảo tồn các yếu tố tinh tế trong thiết kế và trang trí mang phong cách riêng ban đầu của Rastrelli.
Mặc dù có sự cân đối chặt chẽ trong kết cấu mặt tiền, mỗi kết cấu đều có công thức riêng trong thiết kế trang trí trên cửa tường và khoảng cách của các cột đi kèm, sự phân bố cột tạo ra một nhịp điệu nhất quán với sự dàn trải theo phương nằm ngang, 250 cột phân đoạn khoảng 700 cửa sổ (không kể những cột của sân trong), các cột bao quanh trang trí bằng 20 mẫu khác nhau phản ánh nhiều motif trang trí, kể cả mặt nạ sư tử và hình dáng kỳ lạ, do Rastrelli gom góp trong thời gian hơn 3 thập niên.
Ba tầng chính của Cung điện Mùa đông đặt trên một mức nền móng, với các cửa sổ hình bán nguyệt bao quanh hình thành một hiệu quả vòm tiếp đến là các tầng cửa sổ phía trên. Kích thước theo phương nằm ngang của cung điện được nhấn mạnh bằng một lớp xây đai chia 2 tầng trên với tầng thứ nhất, và bằng một mặt cắt phức tạp gồm khối đắp nổi trang trí hình bậc thang, phía trên là một lan can đỡ 176 lọ hoa trang trí lớn và các tượng mang ý nghĩa đặc trưng.
Nội thất của Cung điện Mùa đông, với hơn 700 phòng, đã qua nhiều lần sửa đổi. Thiết kế ban đầu của Rastrelli sử dụng công cụ trang trí tương tự như công cụ ông sử dụng trong các cung điện trước: trang trí bằng gỗ và thạch cao mạ vàng, trụ áp tường cầu kỳ để phân đoạn các khoảng không gian rộng lớn chẳng hạn như Phòng Ngai vàng.
Bên trong cung điện Mùa đông
Công đoạn hoàn thiện một không gian như thế phải tiếp tục trong nhiều thập niên, và có sự thay đổi trong thiết kế và trang trí để phù hợp với sở thích của Catherine Đại đế và những người kế vị về sau. Trận hỏa hoạn năm 1837 suốt hơn 2 ngày đã khiến Cung điện thiệt hại khá nhiều.
Trong khi xây dựng lại, hầu hết các phòng đều được trang trí theo phong cách Tân cổ điển do những người kế vị Rastrelli áp dụng, chẳng hạn như Giacomo Quarenghi. Chỉ có phần chính, cầu thang Jordan, cùng với hành lang dẫn đến nó (hành lang Rastrelli) do Vasillii Staslov phục hồi theo phong cách giống với thiết kế ban đầu của Rastrelli.
Cung điện Mùa đông là một trong số những công trình sau cùng mang phong cách Baroque ở châu Âu thể hiện tài năng của kiến trúc sư tài ba Rastrelli.
Với hàng triệu tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của toàn nhân loại, Cung điện Mùa đông đã làm say lòng biết bao thế hệ du khách từ xưa tới nay mỗi khi đặt chân tới nơi này. Mời quý khách đặttour du lịch Nga giá rẻ để được thưởng lãm nghệ thuật đỉnh cao khi đến thăm Cung điện nổi tiếng này.