Du lịch Hà Nội có rất nhiều cách để một người có thể khám phá được những điều thú vị trong cuộc sống đời thường tại đây. Chỉ bằng một hành động nhỏ, bắt một chuyến xe bus 55 hướng Cầu Giấy – Long Biên và du khách thỏa thích thăm thú các khu chợ truyền thống dọc tuyến xe này.
Chợ Bưởi
Chợ Bưởi là địa điểm dừng chân đặc sắc đầu tiên của hành trình thăm các khu chợ nổi tiếng Hà Nội với một chuyến xe buýt 55. Khu vực giao nhau giữa ba con phố: Lạc Long Quân, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám gây ấn tượng bởi màu xanh mát mẻ đến từ những chậu cây cảnh, âm thanh ồn ào của tiếng chó, mèo, chim,…Không ai nhớ chính xác chợ Bưởi xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết nó đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người xứ Kinh Kỳ Thăng Long với câu ca dao:
“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”
Bạn nên chọn những ngày mùng 4,9,14,19,24,29 âm lịch - khi chợ Bưởi họp phiên để đến với nơi đây. Chợ Bưởi, cùng với chợ Mơ, là hai chợ duy nhất còn giữ nếp họp phiên của Hà Nội. Đến với chợ Bưởi không phải chỉ để mua bán mà còn để tìm về với nét bình dị, chân chất ngày xưa giữa phố phường thủ đô ồn ã.
Chợ hoa Quảng Bá
Chợ hoa Quảng Bá (Còn gọi là chợ hoa Quảng An) - địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng, nằm trên bờ đê đường Âu Cơ (Quảng An, Tây Hồ) là chợ đầu mối hoa lớn nhất Hà Nội. Bạn nên bắt chuyến xe bus 55 cuối cùng xuất bến lúc 10h tối để bắt kịp lúc chợ hoạt động náo nhiệt nhất. Từ 11h đêm, hoa được chuyển đến chợ để bắt đầu cho quãng thời gian sôi nổi nhất của chợ, kéo dài đến gần 5h sáng hôm sau. Hoa ở đây phong phú cả về chủng loại và xuất xứ. Những bông hoa hồng, cúc được chăm sóc kĩ lưỡng từ các làng hoa Nhật Tân, Tây Tựu,…cho đến các giống hoa hiếm như tulip Hà Lan, diễn vỹ,… đều có mặt ở đây. Đặc biệt, trong những buổi sáng cuối năm, khi đi qua nơi đây, bạn sẽ cảm nhận được không khí Tết đặc trưng của Hà Nội với sắc hoa đào rực rỡ ẩn hiện trong màn sương sớm.
Chợ hoa Quảng Bá luôn rực rỡ sắc màu
Long Biên- ngôi chợ nửa đêm về sáng
Cùng với chuyến xe bus 55 điểm dừng chân cuối cùng là trung chuyển xe bus Long Biên; tại đây quý khách đi thêm khoảng vài trăm mét là đã có thể dễ dàng mua sắm thực phẩm tươi ngon tại chợ đầu mối Long Biên. Long Biên là một trong hai ngôi chợ lớn nhất Hà Nội (cùng với chợ Đồng Xuân) - một trong những điểm đến thú vị khi du lịch Hà Nội. Mặt hàng của khu chợ này vô cùng đa dạng chia thành các khu vực buôn bán riêng: khu bán rau củ quả; khu bán hải sản, gia súc, gia cầm; khu bán đồ ăn nhanh. Tuy nhiên chợ Long Biên bắt đầu tấp nập người mua lại là tầm nửa đêm về sáng. Buôn bán ở chợ Long Biên đa phần là người lao động từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên; số còn lại là những người sống vùng ngoại thành thế nên khi trời chuyển tối người ta đã thu dọn hàng hóa để tờ mờ sáng hôm sau gánh thồ hàng từ khắp các nẻo về khu chợ này. Đến dưới chân cầu Long Biên khi đêm muộn về lắng nghe nhịp thở gấp gáp của khu chợ Long Biên mới thấy Hà Nội là thành phố không bao giờ ngủ.
Chợ Long Biên nhộp nhị nhất là từ lúc nửa đêm đến khi trời sắp sáng
Tips:
Từ trung chuyển xe bus Long Biên quý khách cũng có thể bắt tiếp xe bus số 47 đến thăm quan chợ gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội- là chợ gốm lớn nổi tiếng ở thủ đô.
Chợ gốm Bát Tràng- Nơi lưu giữ văn hóa làng nghề
Làng gốm Bát Tràng vốn nổi tiếng vì là làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời. Khách gần xa xuôi ngược vốn vẫn luôn thích mua những món đồ gốm của Bát Tràng về để làm tặng phẩm, vật trang trí hay đồ dùng trong gia đình. Vì vậy khi đến với Bát Tràng không thể bỏ qua việc thăm quan chợ gốm ở đầu làng, là trung tâm mua bán những sản phẩm do nghệ nhân của làng làm ra; từ bình hoa, bát đĩa, lọ hoa, ấm tích, bát hương đến vòng tay, móc khóa mặt gốm… đa dạng mẫu mã với giá cả phải chăng mà bảo đảm chất lượng.
Chợ gốm Bát Tràng vừa là nơi để mua sắm, tham quan các mặt hàng gốm sứ thủ công
Không chỉ được thăm quan hàng hóa, du khách còn được chủ hàng giới thiệu các công đoạn sản xuất của mẫu hàng, cách vẽ hoa văn, phối màu men mà người thợ thủ công dày công nghiên cứu. Đây cũng là cách mà các nghệ nhân Bát Tràng lưu giữ và truyền bá nét đẹp của làng nghề.