Phố cổ Đồng Văn ở giữa lòng cao nguyên đá, đặc sắc với nét kiến trúc Hoa cổ, cho dù thời tiết lạnh lẽo, vẫn cho chúng ta một cảm giác ấm áp lạ thường. Cuộc sống cũng vì thế mà chậm rãi hơn, thư thả hơn
Hà Giang đâu chỉ có mỗi những mùa hoa bung sắc khoe hương, đâu chỉ mỗi mùa mận chín đỏ triền đồi! Hà Giang còn có một điểm du lịch làm ngất ngây, say đắm con người ta, đó chính là phố cổ Đồng Văn nơi cao nguyên đá.
Phố cổ Đồng Văn nơi cao nguyên đá
Giới thiệu
Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Giang, phố cổ Đồng Văn nằm trong thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Nơi đây có lịch sử phát triển văn hóa, kiến trúc hàng trăm năm.
Cách di chuyển
Từ Hà Nội đi Hà Giang
Hà Giang cách Hà Nội khoảng 320km. Bạn có thể đi bằng xe khách hoặc xe máy. Nếu muốn khám phá trọn vẹn nhất vẻ đẹp của con đường đi Hà Giang, thì bạn nên đi bằng xe máy. Nhưng mà có rất nhiều bạn không đủ điều kiện để sử dụng loại phương tiện này, thì đành rằng mình lại bắt xe khách đi lên cao nguyên đá vậy.
Các bạn có thể đi theo 2 tuyến đường:
- Tuyến thứ nhất (Tuyến này thì nhiều người biết và xe đi lại cũng đông): Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang.
- Tuyến thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ - Đoan Hùng – Tuyên Quang.
Đến Tuyên Quang, các bạn đi theo tuyến đường cao tốc bên ngoài, không cần phải vào thành phố. Theo đường Quốc lộ 2, các bạn đi theo tuyến TP. Tuyên Quang – Hàm Yên - Bắc Quang – Vị Xuyên – TP. Hà Giang.
Từ Hà Giang đi Đồng Văn
Từ Hà Giang đi Đồng Văn khoảng 145 km, đi theo hướng Quốc lộ 4C. Bạn có thể đi bằng xe máy hoặc xe khách.
Lạc chân vào phố cổ Đồng Văn
Nét kiến trúc đặc trưng của khu phố
Khu phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn, thọt lỏm trong thung lũng, bốn bề bao bọc bằng núi đá. Khu phố này bao gồm 40 nóc nhà tường trình nằm nép vào nhau, toàn bộ đều không dưới 100 năm tuổi, thậm chí còn có nhà với 200 năm tuổi. Lúc mới hình thành, nơi này chỉ lác đác vài gia đình người Tày, Hoa, Mông sinh sống. Dần dần, những người khác cũng đổ về đây.
Đặc trưng của phố cổ là những ngôi nhà có hai tầng, có bờ tường dày bằng đá vững chắc, được lợp ngói âm dương, kết cấu vì kèo bằng gỗ, có những chiếc cột nhà lớn, mang đậm đặc trưng kiến trúc người Hoa cổ. Trước mỗi nhà đều có những chiếc đèn lồng đỏ, điểm xuyết giữa nét cổ kính của con phố, sưởi ấm cao nguyên đá giữa cái lạnh buốt khắc nghiệt.
Những căn nhà có đèn lồng nổi bật treo trước cửa
Trong những năm 1880, khi mà người Pháp vào chiếm đóng khu vực này, họ đã cho quy hoạch và tu sửa, để lại nhiều điểm nhấn độc đáo về kiến trúc, trong đó có khu chợ Đồng Văn xây bằng đá, và gần như còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Chợ phiên Đồng Văn
Cà phê phố cổ ấm áp giữa lòng cao nguyên đá
Ai đến đây đều phải đặt chân vào cà phê phố cổ, gọi cho mình một ly cà phê nóng hổi còn bốc khói nghi ngút, chầm chậm thưởng thức, lắng nghe tiếng khèn của người Mông và chiêm ngưỡng nhịp sống chậm rãi, thư thả nơi đây.
Cà phê phố cổ
Vào những ngày cuối tuần, khách du lịch đổ về nhiều, cà phê phố cổ lại nhộn nhịp. Bên ngoài là những chàng trai, cô gái với những điệu múa, nhịp khèn rạo rực, bên trong là du khách rộn ràng vỗ tay cổ vũ. Giữa cái lạnh cao nguyên, nơi đây lại trở nên ấm áp lạ thường.
Đối với những người thích không gian trầm mặc, thì sẽ chọn cho mình một góc yên ắng để nhâm nhi ly cà phê, núp mình khỏi cái lạnh.
Nhâm nhi ly cà phê phố cổ
Cái cảm giác đi dạo giữa làn sương nơi phố cổ, ngắm nhìn sắc màu của những ngôi nhà, của chiếc váy thiếu nữ vùng cao mới thật yên bình đến lạ lùng. Trong hơi ấm của tách cà phê, người ta vẫn nghe những cơn gió rít luồn vào từng ô cửa, tràn qua con đường tối đèn. Tiếng cười rúc rích từ đâu vọng đến, làm cho phố cổ Đồng Văn trở nên quyến rũ đến kì lạ. Ở nơi ấy, con người ta được sống chậm lại, có thời gian ườn người lê la, khác xa hẳn với nhịp đời hối hả nơi thành thị.