Bức tường Berlin, chia cắt thành phố này thành hai phần Đông và Tây, là một trong những biểu tượng nổi tiếng của thời Chiến tranh Lạnh. Đến thăm thủ đô nước Đức, du khách đừng bỏ qua cơ hội khám phá điểm đến ấn tượng này.
Lịch sử hình thành của Bức tường Berlin
Sau Thế chiến thứ II, nước
Đức thua trận và bị chia cắt thành 4 phần do các nước Đồng minh ( Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô) chiếm đóng. Phần phía Đông thuộc sự kiểm soát của Liên Xô. Phần phía Tây thuộc 3 nước Anh, Mỹ, Pháp. Thủ đô Berlin khi đó nằm trong địa phận do Liên Xô quản lý và kiểm soát cũng bị chia thành 4 phần như nước Đức: Phần phía Đông do Liên Xô chiếm đóng, phần phía Tây do các nước còn lại quản lý.
Năm 1948, chính quyền Nga tìm cách sát nhập toàn bộ thành phố Berlin. Nga bắt đầu cuộc phong toả các khu vực ở Berlin của Anh, PHáp, Mỹ nhằm buộc các đồng minh phương Tây chịu đói và phải rời khỏi thành phố. Tuy nhiên, thay vì rút lui, Mỹ và đồng minh tiếp viện từ trên không cho các vùng của họ ở thành phố. Nỗ lực này được biết đến với cái tên Cuộc Không vận Berlin và kéo dài hơn một năm, vận chuyển hơn 2,3 triệu tấn lương thực, chất đốt và hàng hóa khác tới Tây Berlin. Tháng 5/1949, Liên Xô dừng phong tỏa.
Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961
Cũng trong năm đó, phần lãnh thổ nước Đức do Nga chiếm đóng đã thành lập Công Hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) với thủ đô là phía đông thành Berlin. Ba vùng chiếm đóng còn lại ở phía Tây trở thành Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) với thủ đô là Bonn. Phần phía Tây của Berlin trở thành vùng đất tách biệt được bao bọc bởi lãnh thổ của Đông Đức.
Cho đến năm 1961, người dân Đông Đức vẫn có thể tự do qua lại giữa hai phần Đông và Tây Berlin. Nhưng ngày càng nhiều người Đông Đức chạy sang Tây Đức thịnh vượng với con số thống kê là 20.000 người mỗi tháng chỉ trong năm 1961.
Vì thế, vào tháng 12/8/1961, chính quyền Đông Đức quyết định đóng cửa biên giới xung quanh khu vực phía Tây Berlin nhằm không cho người dân bỏ trốn. Nó được Đông Đức gọi là Bức tường thành chống chủ nghĩa phát xít nhằm bảo vệ phía Đông khỏi sự tấn công của phía Tây và ngăn cảnh sự di tản từ Đông sang Tây.
Sau đó 1 ngày, vào sáng sớm ngày 13/8, phía Tây Berlin được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai. Việc qua lại tại biên giới này bị chặn lại. Tất cả các liên kết giao thông khác nối hai phần của thành phố cũng bị dừng hoạt động. Những ngôi nhà ở phía đông của đường biên giới này bị di dời và các cửa sổ trên đường biên giới cũng bị xây kín gạch.
Theo thời gian, dây thép gai được thay thế bằng bức tường cao 3,6m. Dọc theo bờ đông của bức tường là “death strip” (tạm dịch: Đường băng tử thần), khu vực có lính gác bảo vệ. Có tổng cộng 302 tháp canh và 20 boong-ke được xây dựng dọc theo đường biên giới dài 155 km này. Lính canh được phép bắn những kẻ chạy trốn.
Bức tường Berlin trong ngày sụp đổ năm 1989
Kết quả là trong suốt 28 năm tồn tại của
Bức tường Berlin có 192 người đã bị bắn chết khi đang tìm cách vượt qua biên giới này để sang phía Tây. Một trong số những trường hợp đầu tiên và được biết đến nhiều nhất là Peter Fechter, một cậu bé 18 tuổi bị một lính gác bắn khi đang trèo qua tường. Cậu bé ngã xuống và đã kêu khóc giúp đỡ nhưng lính gác Đông Đức đã mặc kệ và chỉ một giờ sau cậu đã chết vì chảy máu quá nhiều. Hiện nay ở Zimmerstraße, Berlin có một đài tưởng niệm để ghi nhớ nơi cậu đã chết.
Bức tường Berlin sụp đổ
Tháng 5/1989, chẳng bao lâu sau khi Tổng thống Nga Gorbatchev huỷ bỏ học thuyết Brezhnev, Hungary đã mở cửa biên giới với Áo. Điều này cho phép người Đông Đức có thể sang phía Tây Berlin thông qua Hungary. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người tham gia biểu tình đường phố, gây áp lực cho chính phủ Đông Đức.
Cuối cùng, vào ngày 9/11/1989, việc cấm đi lại qua biên giới này đã bị bãi bỏ. Chỉ vài giờ sau, rất nhiều người đã hồ hởi đổ dồn về đường biên giới này yêu cầu được đi qua. Lính gác lúng túng vì không nhận được bất kỳ chỉ thị mới nào đã phải nhượng bộ trước áp lực này.
Ngày 3/10/1990, Đông và Tây Đức chính thức hợp nhất - gần một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ - trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.
Mặc dù phần lớn bức tường đã bị tháo dỡ kể từ lúc đó nhưng một số phần vẫn còn tồn tại. Những phần bị tháo dỡ được thay thế bằng hàng đá sỏi đôi. Phần nổi tiếng nhất của bức tường mà vẫn còn lưu lại là Bộ trưng bày tranh ở phía Đông dài 1316m. Năm 1990, các hoạ sỹ đã được mời để vẽ phần này và nó đã trở thành một bộ sưu tập nghệ thuật ngoài trời lớn. Nó nằm dọc theo Mühlenstraße với 106 bức tranh.
Bức tường Berlin với hàng ngàn quả bóng trắng trong dịp kỉ niệm 25 năm ngày Bức tường sụp đổ
Vị trí tưởng niệm Bức tường Berlin chính thức nằm ở Bernauer Straße - nơi nhiều người đã chạy trốn từ phía Đông sang phía Tây Berlin và cũng là nơi bắt đầu cho việc phá huỷ bức tường này. Tại đây, bạn có thể nhìn kỹ phần tường vẫn còn nguyên vẹn cùng với khu vực bảo vệ và tháp canh từ khu vực quan sát ở bên kia đường.
Những phần nhỏ hơn nằm ở Potsdamer Platz, gần Reichstag, ở Invaliedenfriedhof, Bornholmer Straße, Nieder-kirchner Straße và ở Zimmerstraße gần trạm kiểm soát Charlie.
Bức tường Berlin tồn tại từ năm 1961 đến năm 1989, ngăn cách giữa hai bên Đông và Tây Berlin, và cũng là ranh giới trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe tư bản và XHCN thời bấy giờ. Thực tế, tất cả những gì còn lại và có thể tham quan được chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng chiều dài 167,8km được giữ lại làm di tích lịch sử. Mời quý khách đặt tour
du lịch Đức giá rẻ để bắt đầu cuộc hành trình khám phá bức tường Berlin ấn tượng cùng nhiều điểm đến hấp dẫn khác ở nước Đức.